Ngày 29 tháng 6 năm 2010, Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã ban hành Quyết định số 14/QĐ-LĐBCVN ban hành Quy chế chuyển nhượng vận động viên bóng chuyền. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2011.
Căn cứ nội dung của Quy chế và các quy định của pháp luật có liên quan, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam hướng dẫn một số nội dung để các câu lạc bộ, đội bóng và các vận động viên bóng chuyền nghiên cứu, tham khảo và chuẩn bị tốt cho việc thực hiện Quy chế.
I. Nguyên tắc chuyển nhượng:
1. Chuyển nhượng vận động viên theo quy định tại Điều 2 Quy chế là thoả thuận 03 bên (2 câu lạc bộ và vận động viên), theo đó nhất thiết phải có sự đồng ý của vận động viên thì thoả thuận mới có giá trị. Đây là điểm mới so với Quy định về chuyển nhượng vận động viên bóng chuyền năm 2004. Do vậy, trong quá trình đàm phán để chuyển nhượng vận động viên, các câu lạc bộ cần tôn trọng ý trí, nguyện vọng của vận động viên để đạt được sự thống nhất cao. Đặc biệt cần lưu ý, đối với những vận động viên chưa đủ 18 tuổi (tại thời điểm ký kết thoả thuận chuyển nhượng) cần thiết phải có sự tham gia và đồng ý của người đại diện hợp pháp của vận động viên.
2.Các trường hợp không được chuyển nhượng:
Điều 6 Quy chế quy định rõ 02 trường hợp không được chuyển nhượng đó là:
a) Trong thời gian vận động viên có hợp đồng đào tạo với câu lạc bộ, nghĩa là đối với những vận động viên chưa đủ 18 tuổi thì không được chuyển nhượng sang bất kỳ câu lạc bộ nào khác, ngoại trừ trường hợp các câu lạc bộ và vận động viên có thoả thuận và thống nhất được với nhau về chuyển nhượng. Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam không có bất kỳ sự công nhận nào về việc chuyển nhượng vận động viên, trừ khi có sự thống nhất của cả 3 bên.
b) Khi được câu lạc bộ đào tạo xong và đã ký hợp đồng lao động với chính câu lạc bộ đào tạo mình, vận động viên phải thi đấu phải thi đấu cho câu lạc bộ đó trong thời gian 5 năm. Nếu thời hạn hợp đồng lao động ngắn hơn 5 năm thì sau khi kết thúc, vận động viên có trách nhiệm ký kết tiếp hợp đồng lao động cho đủ 5 năm. Trường hợp câu lạc bộ từ chối ký hợp đồng lao động với vận động viên, thì vận động viên chỉ được ký hợp đồng với câu lạc bộ khác khi câu lạc bộ cũ đồng ý.
Thời gian này Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam không có bất kỳ công nhận nào về việc chuyển nhượng vận động viên, trừ khi có sự thống nhất của cả 3 bên.
II. Về hợp đồng:
Theo Quy chế chuyển nhượng vận động viên bóng chuyền năm 2010, có 02 loại hợp đồng giữa câu lạc bộ và vận động viên
1. Hợp đồng đào tạo:
Hợp đồng này áp dụng đối với trường hợp vận động viên chưa đủ 18 tuổi. Khi đào tạo vận động viên, các câu lạc bộ bắt buộc phải ký hợp đồng đào tạo bằng văn bản để tránh các tranh chấp có thể xảy ra.
Nội dung chủ yếu của hợp đồng đào tạo bao gồm: mục tiêu, kỹ năng đạt được; địa điểm đào tạo; thời gian đào tạo; quyền lợi và nghĩa vụ của câu lạc bộ; quyền lợi và nghĩa vụ của vận động viên; các trường hợp vi phạm hợp đồng, mức bồi thường khi vi phạm.
Trường hợp câu lạc bộ đào tạo vận động viên để thi đấu cho câu lạc bộ thì hợp đồng đào tạo phải có thêm nội dung là: cam kết của vận động viên về thời gian thi đấu cho câu lạc bộ là 5 năm; cam kết của câu lạc bộ về việc ký hợp đồng lao động sau khi đào tạo xong (đủ 18 tuổi).
Trường hợp vận động viên không thi đấu cho câu lạc bộ theo cam kết sau khi đào tạo xong thì phải bồi thường chi phí đào tạo cho câu lạc bộ theo thoả thuận, song vẫn không được thi đấu cho câu lạc bộ khác theo quy định tại Điều 6 Quy chế năm 2010.
Các câu lạc bộ, vận động viên có thể tham khảo mẫu hợp đồng đào tạo kèm theo bản hướng dẫn này.
2. Hợp đồng lao động:
Hợp đồng này áp dụng đối với trường hợp vận động viên đủ 18 tuổi trở lên. Khi sử dụng vận động viên, các câu lạc bộ phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản với vận động viên.
Nội dung hợp đồng lao động với vận động viên gồm các nội dung cơ bản sau đây: công việc phải làm, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, tiền lương, địa điểm làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội đối với vận động viên, các trường hợp vi phạm hợp đồng và mức bồi thường khi vi phạm.
Các câu lạc bộ, vận động viên có thể tham khảo mẫu hợp đồng lao động kèm theo bản hướng dẫn này.
Theo quy định của Bộ Luật lao động, Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động thì hợp đồng lao động gồm 03 loại (phân chia theo thời hạn hợp đồng) sau đây:
a) Hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
b) Hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
Đối với 02 loại hợp đồng này, vận động viên đơn phương chấm dứt hợp đồng được coi là hợp pháp trong các trường hợp sau đây:
Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thoả thuận trong hợp đồng;
Không được trả công đầy đủ hoặc trả không đúng thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng;
Bị ngược đãi, cưỡng bức lao động (đây là trường hợp vận động viên bị đánh đập, nhục mạ hoặc bị ép buộc làm những công việc không phù hợp với giới tính, ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của vận động viên)
Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng với những lý do sau: chuyển chỗ ở thường trú đến nơi khác, đi lại làm việc gặp nhiều khó khăn; được phép ra nước ngoài định cư; bản thân phải nghỉ việc để chăm sóc vợ (chồng), bố mẹ vợ (chồng) hoặc con bị ốm đau từ 3 tháng trở lên; gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác được chính quyền cẫp xã nơi cư trú xác nhận không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở các cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữa chức vụ trong bộ máy nhà nước;
Vận động viên nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của thầy thuốc;
Vận động viên bị ốm đau, tai nạn, chấn thương đã điều trị 3 tháng liền đối với vận động viên làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và 1/4 thời hạn hợp đồng đối với vận động viên làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được phục hồi.
c) Hợp đồng không xác định thời hạn (hợp đồng có thời hạn trên 3 năm)
Khi các bên ký kết hợp đồng này, trong bất kỳ trường hợp nào vận động viên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đều được coi là hợp pháp nếu bảo đảm phải báo cho câu lạc bộ biết trước ít nhất 45 ngày. Nếu vận động viên bị ốm đau, tai nạn, chấn thương đã điều trị sáu tháng liền thì phải báo trước ít nhất 3 ngày.
Trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng lao động, các câu lạc bộ và vận động viên nên lựa chọn loại hợp đồng với thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng để thống nhất các điều khoản liên quan cho phù hợp.
Câu lạc bộ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với vận động viên theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, thì câu lạc bộ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với vận động viên trong các trường hợp sau:
Vận động viên thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng, nghĩa là không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan và bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng, mà sau đó vẫn không khắc phục.
Vận động viên bị xử lý kỷ luật sa thải;
Vận động viên làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liền, vận động viên làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng ốm đau đã điều trị sáu tháng liền và người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa việc hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng lao động, mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khoẻ của vận động viên bình phục, thì được xem xét để giao kết tiếp hợp đồng lao động;
Do thiên tai, hoả hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ, mà câu lạc bộ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp quy mô, giảm chỗ làm việc.
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng với vận động viên, câu lạc bộ có trách nhiệm bồi thường cho vận động viên theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ luật Lao động, khi chấm dứt hợp đồng với vận động viên đã làm việc thường xuyên trong câu lạc bộ từ đủ 12 tháng trở lên, câu lạc bộ có trách nhiệm trợ cấp thôi việc cho vận động viên, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương nếu có (trừ trường hợp vận động viên bị sa thải).
III. Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam giải quyết tranh chấp
1. Khi các câu lạc bộ có tranh chấp về vận động viên, theo Điều 12 Quy chế chuyển nhượng vận động viên bóng chuyền, Liên đoàn chỉ giải quyết cho vận động viên thi đấu cho câu lạc bộ mới khi:
Vận động viên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hợp pháp, và
Có hồ sơ đề nghị giải quyết vụ việc, và
Sau thời gian 6 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị.
2. Khi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam giải quyết tranh chấp, thì mức bồi thường của câu lạc bộ mới và vận động viên phải bồi thường cho câu lạc bộ cũ sẽ được Liên đoàn áp dụng theo mức quy định tại Điều 14 của Quy chế khi các bên không tự thoả thuận được.
Khi chuyển nhượng vận động viên, các câu lạc bộ tự do thoả thuận về mức tiền chuyển nhượng. Quy định về chi phí đào tạo tại Điều 14 Quy chế chỉ có ý nghĩa để các câu lạc bộ tham khảo.
Theo Tạp Chí Thể Thao
|